AUDIT LỖI SEO CHỈ VỚI 7 BƯỚC ĐƠN GIẢN – Maido Agency
phone-icon

AUDIT LỖI SEO CHỈ VỚI 7 BƯỚC ĐƠN GIẢN

AUDIT LỖI SEO CHỈ VỚI 7 BƯỚC ĐƠN GIẢN
SEO Audit (Kiểm tra SEO) được hiểu đơn giản là kiểm tra và phát hiện các lỗi liên quan để tối ưu SEO cho website. Nhờ vậy, tổ chức/cá nhân sẽ có kế hoạch tối ưu SEO tốt hơn, giúp website tăng thứ hạng tìm kiếm, tăng cơ hội xuất hiện trong 10 kết quả đầu tiên do các công cụ tìm kiếm trả về. Và dưới đây là 7 bước tiến hành SEO Audit đơn giản và một số công cụ hỗ trợ gợi ý từ Hubspot.  
 

Bước 1: Nghiên cứu từ khóa SEO

Bước đầu tiên của SEO Audit là “thấu hiểu ngôn ngữ tìm kiếm” của khách hàng tiềm năng. Cụ thể, khi muốn tìm kiếm một sản phẩm/dịch vụ X, khách hàng thường dùng những từ gì để gõ vào thanh công cụ tìm kiếm? Lưu ý, các khách hàng khác nhau sẽ sử dụng các từ khóa khác nhau, vì vậy hãy đảm bảo các từ khóa không quá hẹp để có thể chạm đến nhiều khách hàng nhất có thể. 
 
Để tìm kiếm từ khóa, cá nhân/tổ chức nên nghĩ xem khách hàng của mình đang ở đâu trong hành trình mua sắm. Nếu họ mới chỉ ở giai đoạn đầu, rất có thể sẽ xuất hiện những cụm từ khóa như "Cửa hàng X gần nhất?" hoặc "X ở [thành phố]".


Sau khi đã có 2-3 từ khóa và cụm từ khóa chính, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các công cụ SEO như Ahrefs và Keyword Finder để mở rộng danh sách. Những công cụ này sẽ cho ra nhiều từ khóa đuôi ngắn hơn hoặc dài hơn mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến.
 

Bước 2: Kiểm tra website

Sau khi đã có một danh sách từ khóa, bước tiếp theo của SEO Audit là kiểm tra website (Website Audit). Đây là một quá trình rà soát và cập nhật liên tục những thông số cần thiết về nội dung; quảng cáo; hiệu suất kênh digital; insights của người dùng và tất cả các hoạt động digital marketing khác. 

 


 
Website Audit sẽ gồm các bước nhỏ sau đây: 

1. Tối ưu hóa trang 
Bạn cần đảm bảo website đó có cấu trúc tốt, nội dung độc đáo và tập trung vào các từ khóa có liên quan. Khi một công cụ tìm kiếm như Google xếp hạng thứ tự của các website, nó sẽ dựa vào những thông tin thu thập được qua các dạng content để xác định nội dung chính, mức độ liên quan và chất lượng của website đó. 
Hãy sử dụng từ khóa trong tiêu đề, URL và mô tả meta. Hãy nhớ rằng phần lớn người dùng công cụ tìm kiếm hiếm khi nhấp vào trang thứ hai. Vì vậy việc tối ưu hóa trang web của bạn cho SERPs (Search Engine Results Page - Trang kết quả trả về của các công cụ tìm kiếm) là chìa khóa để thu hút khách hàng mới và tạo chuyển đổi.

2. Đoạn trích nổi bật

Đoạn trích nổi bật (Featured Snippets) là những văn bản xuất hiện ở trên cùng của một trang kết quả tìm kiếm. Đồng nghĩa, một đoạn trích nổi bật sẽ đưa cả website lên đầu kết quả tìm kiếm. Để tăng cơ hội SERPs thăng hạng trang nhờ vào một đoạn trích nổi bật, cá nhân/tổ chức nên xuất bản nội dung có thẩm quyền và phù hợp, đảm bảo độc giả dễ dàng tìm thấy trên website mọi thông tin chi tiết về doanh nghiệp, sự kiện, sản phẩm, và câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp.

3. Liên kết nội bộ

Internal link hay còn gọi là Liên kết nội bộ là một hình thức điều hướng từ trang này sang trang khác trên cùng một website. Đảm bảo các phần/nội dung của website liên kết với nhau bằng Internal Link sẽ giúp công cụ tìm kiếm dễ xác định được luồng nội dung hơn, từ đó tăng khả năng đưa người dùng đến câu trả lời họ muốn biết nhất.  

4. Nội dung gốc

Google ưu tiên các nội dung gốc/độc quyền trên bảng xếp hạng tìm kiếm của mình. Vì vậy, hãy đảm bảo xuất bản các nội dung không trùng lặp, hoặc nếu bài viết chứa nội dung lấy từ trang khác thì phải sử dụng thẻ chuẩn (canonical tag). Canonical Tag là một loại thẻ khai báo đây là nội dung bị trùng lặp, và Google có thể bỏ qua nội dung này để đánh giá các nội dung độc quyền, quan trọng hơn có trong website.
 

Bước 3: Cập nhật thông tin trên google doanh nghiệp (Google Business Profile)

Google Business Profile (Google doanh nghiệp của tôi) là một công cụ miễn phí giúp doanh nghiệp đưa toàn bộ thông tin từ địa chỉ, sản phẩm, dịch vụ,... lên Google. Nhờ vậy, khách hàng có thể tìm thấy doanh nghiệp, tìm kiếm thông tin và cuối cùng là quyết định sử dụng dịch vụ, sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. 

 

 

Bước 4: Tận dụng trích dẫn địa phương (Local Business Citation)

Trích dẫn địa phương là bất kỳ đề cập trực tuyến nào về tên, địa chỉ và số điện thoại của doanh nghiệp. Những đề cập này sẽ có giá trị hơn nếu xuất hiện ở các website uy tín trong cùng một lĩnh vực chẳng hạn như báo/tạp chí kinh doanh, trang thông tin thương mại hàng đầu, website của chính phủ,... Lưu ý rằng phải đảm bảo tất cả thông tin này đều được cập nhật. Nếu các trích dẫn địa phương dẫn đến một thông tin đã lỗi thời, uy tín của website có thể bị ảnh hưởng và thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm sẽ bị tụt xuống. 

 

Bước 5: Phân tích đánh giá của khách hàng

Theo khảo sát năm 2022 của Brightlocal, 84% người tiêu dùng cho biết review ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của họ. Không những thu hút các khách hàng mới, review giờ đây cũng có thể tăng thứ hạng của doanh nghiệp trên các trang tìm kiếm. 
 
Trước tiên, hãy phân tích xem các review chủ yếu tích cực hay tiêu cực? Doanh nghiệp có thường xuyên phản hồi các review đó hay không? Việc phản hồi những bình luận của khách hàng sẽ cho Google thấy doanh nghiệp có năng động và mang tính hợp tác hay không, từ đó cân nhắc tăng hay giảm thứ hạng của doanh nghiệp. 
 

Bước 6: Sử dụng Google Analytics 

Sử dụng Google Analytics để liên tục kiểm tra danh mục được truy cập nhiều nhất trên website, các lượt tìm kiếm tự nhiên (Organic search), chất lượng page và cả hành trình mà người dùng tìm thấy website của doanh nghiệp. 
 
Các dữ liệu từ Google Analytics còn cho doanh nghiệp biết liệu có cơ hội để tiến hành backlink (liên kết ngược) hay không. Khi một website dẫn liên kết đến bất kỳ trang nào khác thì nó được gọi là một liên kết ngược. Nếu một website có liên quan và có uy tín thường xuyên liên kết đến website của doanh nghiệp, điều đó có thể giúp tăng thứ hạng kết quả tìm kiếm. 
 

Bước 7: Kiểm tra đối thủ cạnh tranh

Bước cuối cùng là phân tích website của đối thủ cạnh tranh. Nhập các từ khóa doanh nghiệp định tối ưu SEO vào Google và lập một danh sách 5 đối thủ cạnh tranh cùng sử dụng chung từ khóa. Sau đó, tra cứu Google Business Profile của họ, các bài đánh giá, theo dấu các hoạt động trên mạng xã hội, và tổng hợp các thứ hạng bài viết của họ ứng với mỗi từ khóa khác nhau. Sau đó, doanh nghiệp có thể áp dụng ngược lại cho chiến lược tối ưu SEO của mình.
 
Theo Hubspot